Thông Báo
Chi tiết tin tức
CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG THPT LÝ THƯỜNG KIỆT TỔ CHỨC THAM QUAN, HỌC TẬP ĐẦU XUÂN 2025
Lễ chùa đầu xuân để ước nguyện, cầu bình an là một hoạt động không thể thiếu của người dân trong những ngày xuân. Đây là một nét đẹp văn hóa của người Việt được giữ gìn và phát huy từ hệ này sang thế hệ khác.
Thực hiện kế hoạch hoạt động của Công đoàn trường THPT Lý Thường Kiệt, được sự nhất trí của Chi bộ, BGH, BCH CĐ đã tổ chức chuyến tham quan học tập đầu năm với lịch trình chùa Địa Tạng Phi Lai - chùa Cây Thị - chùa Phật Quang- đền thờ Thân Nhân Trung. Thời gian tổ chức chuyến học tập là một ngày 9/02/2025 (Tức ngày 12 tháng giêng).
Đoàn tham quan, học tập đầu xuân 2025 của nhà trường bao gồm 34 thành viên, do thầy Nguyễn Hồng Phúc - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn, và các phó đoàn là đồng chí Trần Hữu Hiền- Phó Hiệu trưởng nhà trường; đồng chí Lê Thị Thái - Phó Hiệu trưởng nhà trường; đồng chí Hoàng Thị Thủy - Chủ tịch Công Đoàn, cùng các thành viên khác là cán bộ, giáo viên, nhân viên và người thân trong cơ quan.
Chùa Địa Địa Tạng Phi lai là điểm đến đầu tiên trong hành trình tâm linh tại Hà Nam.
Hình ảnh tập thể cán bộ giáo viên- nhân viên trường THPT Lý Thường Kiệt tại chùa Địa Tạng Phi Lai đầu xuân Ất Tỵ 2025
Ngôi chùa này còn có những tên khác như chùa Phi Lai Địa Tạng hay tên Nôm là chùa Đùng, có lịch sử tồn tại đã hơn 1000 năm tuổi. Hai bên có dãy núi mang hình dạng Tả thanh long, Hữu bạch hổ cùng nhiều vật cổ có giá trị lịch sử thiêng liêng, mang đậm dấu ấn của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Vị trí chùa nằm ngay trên một ngọn đồi nhỏ, phía sau có rừng thông xanh và thuộc địa bàn thôn Ninh Trung. Không gian bên trong vô cùng rộng rãi, bằng phẳng với đường dẫn vào khang trang. Những ai mới lần đầu đến đây sẽ phần nào bất ngờ khi sân dẫn vào chùa được trải sỏi trắng thay vì gạch đỏ như nhiều nơi khác.
Hơn nữa nét kiến trúc hài hòa với thiên nhiên cũng là điểm đặc sắc nhất của nơi đây. Tòa lớn nhất ở chùa là tòa Tam Bảo, với tượng Đức Địa Tạng tại trung tâm. Phía bên phải chùa chính là khu vực thờ tự 42 sư tổ trụ trì chùa. Ngoài ra trong quần thể còn có nhiều tòa kiến trúc đặc biệt khác như điện Đức Ông, điện Đức Thánh Đạo Hiền, điện Phật Quan Thế Âm, khu nhà ở cho tăng ni, tòa để Phật tử nghe giảng đạo và tổ chức khóa tu. Trên đỉnh Phi Lai của chùa Địa Tạng Phi Lai Tự còn có tháp Phổ Đồng được xây dựng từ thời Lý Trần. Đây cũng là nơi 40 đời tổ sư an nghỉ.
Chùa Phi Lai Địa Tạng ngày nay không chỉ là điểm tham quan du lịch hấp dẫn với nghệ thuật xây dựng, tạo hình đậm đà bản sắc văn hóa mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của các Phật tử từ khắp mọi nơi.
Rời khỏi chùa Phi Lai Địa Tạng, đoàn tiếp tục hành hương tới Chùa Cây Thị (Tịnh Viện Di Đà) tọa lạc thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội khoảng 70km.
Chùa nằm trên lưng chừng núi, hai bên là dãy núi có hình thế tả thanh long, hữu bạch hổ. Theo sườn núi hướng lên đỉnh về phía Đông Nam cách chùa cổ khoảng 100m là lăng mộ Thượng thư Trương Công Giai, bên dưới chân núi hướng Tây Nam cách chùa cổ khoảng 50m là đền thờ liệt sĩ Núi Chùa. Chùa nằm cách biệt hoàn toàn với khu dân cư. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, từ xa xưa nơi đây đã từng có vua đi qua và dừng nghỉ tại chùa nên được gọi là “chùa Khoa núi Ngụ”.
Cây thị không những có giá trị về lịch sử, mà còn ẩn chứa một giá trị tâm linh rất lớn đối với dân làng nói riêng và toàn thể tín đồ Phật tử thập phương nói chung khi về chùa. Từ chân núi nhìn lên, thấy xa xa hiện lên khuôn mặt hiền từ phúc hậu của tôn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao 6m bằng đá granite được đặt trên ngọn đồi, trông thật uy nghi. Đến đây du khách sẽ bất ngờ vì phần sân dẫn vào chùa được trải sỏi trắng, xung quanh các ngọn đồi xanh mướt màu xanh của cỏ Nhật đan xen với những cây tùng.
Điểm đến tiếp theo là Chùa Phật Quang. Chùa Phật Quang được biết đến là một trong những địa điểm tâm linh nổi bật của tỉnh Hà Nam. Đến với nơi đây, du khách không chỉ được chiêm bái Phật pháp, chiêm ngưỡng cảnh chùa mà còn được hòa mình vào bầu không khí an yên, rời xa mọi bộn bề của cuộc sống.
Chùa Phật Quang gây ấn tượng với đoàn chiếm bái nhờ phong cách kiến trúc kỳ công, tỉ mỉ với hàng loạt các hòn non bộ, tiểu cảnh nhân tạo, hồ cá trong xanh, bàn ghế đá đồ sộ. Vãn cảnh chùa khiến người ta liên tưởng ngay đến lối thiết kế của Nhật Bản chú trọng đến từng tiểu tiết nhỏ, bonsai tạo dáng cầu kỳ. Đặc biệt là trên mỗi phiến đá đều được đề lên nét chữ thư pháp uyển chuyển của Đại đức Trụ trì Thích Thiên Ân. Khung cảnh ngôi chùa thoáng đãng, bình yên, văng vẳng tiếng chim hót líu lo bên tai khiến bất cứ ai cũng cảm thấy lắng đọng tâm hồn, quên đi mọi phiền lo, bộn bề áp lực cuộc sống.
Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành hương là đền thờ Thân Nhân Trung. Đền nằm gần chợ Nếnh tại số nhà 36 phố Hoàng Công Phụ sát trục đường quốc lộ 1A, cách thành phố Bắc Giang khoảng 12 km về phía Tây - Nam. Công trình thiết kế theo kiến trúc của đình, đền cổ truyền Việt Nam trên khuôn viên khoảng 2,5 ha, được quy hoạch xây dựng các hạng mục: Đền thờ và tượng đài tiến sĩ Thân Nhân Trung, sân hành lễ, nhà bia, tháp bút, lầu bát giác, tả - hữu vu, gác chuông, gác trống, nghi môn nội, nghi môn ngoại, hồ bán nguyệt, cây xanh cảnh quan và các công trình phụ trợ khác. Trong di tích, còn có nhiều hiện vật có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông như: Bảng gỗ ghi về câu nói nổi tiếng của ông "Hiền tài là nguyên khí quốc gia... ", hai tấm bia đá ghi công trạng của ông và bia đá ghi danh sách các vị Tiến sĩ tại làng Yên Ninh.
Đền thờ Tiến sĩ có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng của thế hệ cha anh làng Yên Ninh. Là nơi khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần học tập, phát huy sáng tạo như câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Thân Nhân Trung từ bao đời nay là kim chỉ nam cho mọi thế hệ.
Hành trình tham quan, chiêm bái các danh lam thắng cảnh đã khép lại với nhiều kỷ niệm đẹp trong mỗi đoàn viên công đoàn. Các thành viên trong chuyến đi đã trở về an toàn. Ban Giám hiệu và Công Đoàn nhà trường mong muốn sau chuyến đi này, mỗi cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt công việc được giao, chung sức xây dựng mái trường THPT Lý Thường Kiệt ngày càng phát triển và tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu của năm học 2025-2026.
Người đưa tin: Trần Thị Yên- BCHCĐ trường THPT Lý Thường Kiệt