Thông Báo
Chi tiết tin tức
GIẢNG DẠY THỂ NGHIỆM MÔN GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TẠI - KHỞI ĐẦU CHO CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH
Trường THPT Lý Thường Kiệt vừa chính thức triển khai giảng dạy thể nghiệm môn Giáo dục địa phương cho lớp 12, một bước đi mới theo hướng chỉ đạo của Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng. Chương trình này nằm trong khuôn khổ chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhằm mục đích trang bị cho học sinh kiến thức sâu rộng về văn hóa và lịch sử địa phương, từ đó bồi dưỡng tình yêu quê hương và nâng cao ý thức ứng dụng thực tiễn.
Căn cứ theo công văn số 389/SGDĐT-GDTrH&GDTX và kế hoạch số 81/KH-SGDĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang, Sở đã phân công Trường THPT Lý Thường Kiệt tổ chức giảng dạy thể nghiệm môn Ngữ văn lớp 12 với chủ đề "Kí Bắc Giang" và bài học "Những dòng nước huyền thoại" của nhà văn Nguyễn Thị Thu Hà. Sự kiện diễn ra ngày 11/04/2024 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên và chuyên gia từ các trường trong cụm Thị xã Việt Yên.
Được sự phân công của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, ngày 11/04/2024 tại trường THPT Lý Thường Kiệt đã diễn ra buổi dạy thể nghiệm chương trình Giáo dục địa phương môn Ngữ văn lớp 12. Đồng chí Nguyễn Thị Hiền đã phối hợp với tổ chuyên môn Ngữ văn xây dựng Kế hoạch bài dạy thể nghiệm chủ đề Kí Bắc Giang, bài học “Những dòng nước huyền thoại” của nhà văn Nguyễn Thị Thu Hà.
Đến dự và chỉ đạo buổi dạy thể nghiệm có đại diện Phòng GDTrH-GDTX, Sở GDĐT, đồng chí: Ngụy Thị Bình- chuyên viên Sở GDĐT Bắc Giang.
Đại diện các trường trong cụm Thị xã Việt Yên mỗi đơn vị ba giáo viên: gồm trường THPT Việt Yên số 1, Trường THPT Việt Yên số 2, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm và THPT Thân Nhân Trung.
Trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức tại trường THPT Lý Thường Kiệt là đồng chí Nguyễn Hồng Phúc - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, đồng chí Trần Hữu Hiền- Phó bí thư chi bộ, phó hiệu trưởng nhà trường; đồng chí Dương Thị Minh Hải- Phó hiệu trưởng nhà trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền trong tiết dạy thể nghiệm GDĐP tại lớp 11a4
Mở đầu tiết hoc, cô Nguyễn Thị Hiền đã tạo ra không khí tự nhiên, sôi nổi và đưa học sinh đắm chìm vào không gian văn hóa đậm sắc màu của vùng đất Bắc Giang bằng tiếng hát ca ngợi vẻ đẹp đất và người Bắc Giang.
Suốt tiết học, cô Hiền vận dụng rất linh hoạt, hiệu quả các phương pháp mới như trò chơi “Đi tìm nhà thông thái của lớp” với ứng dụng Blooket, báo cáo các dự án học tập, làm việc cặp đôi, cá nhân, kĩ thuật khăn trải bàn…Đặc biệt cô giáo đã khéo léo kết hợp hai hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp thông qua ứng dụng Zalo, patlet…mang đến cảm giác mới mẻ, thú vị, thu hút học sinh vào bài học, phát huy tối đa phẩm chất, năng lực học sinh.
Học sinh tham gia trò chơi “Đi tìm nhà thông thái của lớp” qua ứng dụng Blooket
Tiết mục “Gửi về quan họ”của cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền khép lại giờ học tạo dư vị ngọt ngào, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng học sinh và giáo viên dự giờ.
Sau tiết dạy, các giáo viên dự giờ tích cực thảo luận góp ý cho nội dung bài học, phương pháp, kỹ thuật tổ chức dạy học và tài liệu giảng dạy để đưa vào thực hiện trong năm học 2024-2025. Trong đó Chuyên Viên Sở GDĐT và các giáo viên tham gia dự giờ đều đánh giá rất cao tiết dạy của cô Nguyễn Thị Hiền. Thầy Hoàng Hoài Nam- Tổ trưởng tổ Ngữ văn trường THPT Việt Yên số 1 chia sẻ: Tiết dạy của cô Hiền được chuẩn bị rất công phu, chu đáo, thiết kế khoa học, các bước lên lớp được thực hiện nhịp nhàng, vận dụng hiệu quả nhiều phương pháp mới mang lại sự thú vị. Đặc biệt cô đã tạo ra được không gian học tập đầy sắc màu văn hóa và duy trì trong suốt buổi học dài. Thầy cũng rất ấn tượng với giọng văn truyền cảm, cách dẫn dắt hợp lí, và năng lượng tích cực của cả cô và trò.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Phúc- Tổ trưởng tổ Ngữ Văn trường THPT Việt Yên số 2 cũng đồng quan điểm với thầy Hoàng Hoài Nam, ngoài ra đồng chí còn đánh giá rất cao năng lực hợp tác, khả năng làm việc cá nhân và làm việc dự án của học sinh nhà trường.
Đại diện trường THPT Thân Nhân Trung và Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng tham gia ý kiến góp ý, thảo luận về nội dung tiết học và chất lượng tài liệu bộ môn.
Đồng chí Dương Thị Minh Hải- Phó hiệu trưởng trường THPT Lý Thường Kiệt, đại diện cho BGH nhà trường và đồng chí Nguyễn Thị Mai Liễu đại diện cho tổ chuyên môn đã tiếp thu các ý kiến góp ý để tiếp tục chỉ đạo đồng chí Nguyễn Thị Hiền và tổ Ngữ văn bổ sung vào kế hoạch bài dạy.
Trong buổi thảo luận, đồng chí Ngụy Thị Bình- đại diện Sở GDĐT đã lắng nghe các ý kiến đóng góp cùng những băn khoăn, trăn trở, khúc mắc trong quá trình thực hiện nội dung Giáo dục địa phương và có ý kiến phát hiểu, chỉ đạo các đơn vị về việc tiếp tục hoàn thiện tài liệu, tổ chức thực hiện giảng dạy bộ môn Giáo dục địa phương sao cho phù hợp tình hình thực tiễn của đơn vị nhằm đạt được mục tiêu môn học.
Đồng chí Ngụy Thị Bình chủ trì buổi thảo luận sau tiết dạy thể nghiệm và đại diện các tổ chuyên môn trong cụm Việt Yên trong tiết dự giờ thể nghiệm môn Giáo dục địa phương
Đại diện Sở GDĐT và các thầy cô giáo tham gia tiết dạy thể nghiệm Giáo dục địa phương môn Ngữ văn 12
Buổi giảng dạy kết thúc thành công tốt đẹp với những đánh giá cao từ phía các chuyên viên và giáo viên dự giờ. Những góp ý và thảo luận sau buổi học đã mở ra những hướng đi mới cho việc tiếp tục hoàn thiện tài liệu giảng dạy và phương pháp tổ chức lớp học, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực học sinh trong thời gian tới.
Với sự nỗ lực này, môn Giáo dục địa phương tại trường THPT Lý Thường Kiệt hứa hẹn sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong việc hình thành và phát triển nhân cách, kiến thức văn hóa, và năng lực ứng xử thực tiễn cho học sinh, góp phần vào thành công chung của chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.
Người đưa tin: Trần Thị Yên