Chi tiết tin tức Chi tiết tin tức

Thầy giáo Hoàng Nam Ninh - người biến những “nỗi sợ” thành niềm đam mê, niềm vui

|
Lượt xem:

 

Nhắc đến thầy giáo Hoàng Nam Ninh hẳn nhiều thế hệ học sinh trường Trung học phổ thông Lý thường Kiệt còn nhớ người thầy dáng người nhỏ bé, tác phong nhanh nhẹn, nụ cười luôn thường trực một trái tim luôn nóng hổi nhiệt huyết của tuổi trẻ. Chúng tôi hay gọi vui thầy là “người biến những nỗi sợ thành niềm vui, niềm đam mê.”

Từ nỗi sợ hóa học đến thầy giáo với chuyên môn vững vàng.

Thầy từng kể hồi học phổ thông Thầy sợ môn Hóa học và tự nhận mình “không giỏi” môn này. Cơ duyên đến với môn Hóa lại xuất phát từ chính mong muốn hóa giải nỗi sợ vô hình đó.Thầy chọn hóa học cho sự khởi đầu sự nghiệp trồng người. Những ngày đầu ở đại học những “lo sợ” bỡ ngỡ ban đầu với hóa “phản ứng” dữ dội lắm nhưng những hòa tan kết tủa và nhờ những “chất xúc tác” cực mạnh thầy chinh phục môn hóa để trở thành người thầy tiếp tục hóa giải nỗi sợ của học trò sau này.

Về công tác tại trung học phổ thông Lý Thường Kiệt từ khi ra trường-cách đây 10 năm, thầy miệt mài cống hiến, nỗ lực trong công tác giảng dạy và hoạt động phong trào thanh niên. Ngay khi ổn định công việc thầy chinh phục nấc thang tiếp theo- hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành phương pháp giảng dạy hóa học. Đến với học trò trung học phổ thông, thầy như thấy lại chính mình năm xưa. Cùng một nỗi sợ môn tự nhiên trong đó có Hóa học, những phương trình phản ứng, cân bằng, hoá trị… . Nỗi niềm ấy thầy thấu hiểu học trò, bằng trải nghiệm và kinh nghiệm của chính mình, thầy bắt đầu những bài giảng với biến hóa bất ngờ, vừa hài hước, vừa thực tế, đơn giản và dễ hiểu, những ví dụ gắn với thực tiễn cuộc sống, cách truyền đạt mới mẻ để khơi gợi niềm đam mê trong mỗi học sinh”. Bởi vậy môn Hóa đã trở thành những tiết học trải nghiệm thú vị, hiệu quả và tạo hứng thú cho nhiều lớp học sinh trong trường qua nhiều năm học. Hóa mà-biến hóa linh hoạt, khi nào khó quá thêm “chất xúc tác”. Một trong những chất xcú tác ấy chính là tấm gương vượt qua nỗi sợ của thầy năm xưa.

Dần dần các em háo hức với giờ hóa, mong chờ đến tiết hóa của thầy, dù không chọn nó làm môn xét đại học hay thi tốt nghiệp.

Là một giáo viên trẻ nhiệt huyết, có nhiều sáng kiến cải tiến phương pháp giảng dạy được các cấp công nhận, thầy được tin tưởng giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi hoá học. Nhiều năm qua, thành tích của đội tuyển Hóa học dầy thêm cả về lượng và chất, chất lượng đại trà cũng vượt trội, minh chứng rõ nét chính là kết quả xếp loại chất lượng môn thi tốt nghiệp toàn tỉnh, môn Hoá thường ở tóp 10.  Điều đó góp phần khơi gợi cũng như nuôi dưỡng niềm yêu thích, say mê của học sinh đối với môn tự nhiên, với hoá học, hoá giải “nỗi sợ” được truyền tai  lâu nay trong học sinh.

Là giáo viên Tổ Khoa học tự nhiên, thầy Ninh đã phối hợp với các thầy, cô trong tổ xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động chung của tổ và các hoạt động giáo dục khác của nhà trường, xây dựng phân phối chương trình theo chuẩn kiến thức kỹ năng và kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi; tham gia sinh hoạt chuyên môn theo định kỳ hàng tháng; tham gia đánh giá, xếp loại các thành viên của tổ theo quy định của chuẩn nghề nghiệp giáo viên và các quy định khác.

Idol trong lòng học sinh, “hoá giải nỗi lo” trong phụ huynh và GVCN

Bên cạnh việc say mê với chuyên môn, nghiên cứu cải tiến phương pháp, Thầy Hoàng Nam Ninh có niềm đam mê với thể thao, nhất là bóng đá- môn thể thao vua. Nói đến thể dục thể thao ở trung học phổ thông, chúng ta thường liên tưởng đến các thầy cô giáo dạy giáo dục thể chất vừa to khoẻ, vừa có chuyên môn, nghiệp vụ nhưng thầy giáo Hoàng Nam Ninh mới chính là “linh hồn”, là “đầu não” của các giải thể thao thường niên ở trung học phổ thông Lý Thường Kiệt. Thầy “đa tài lắm”, kiêm rất nhiều vai: Ban tổ chức, huấn luyện viên, hậu cần sân bãi, bầu sô… Mỗi khi chuẩn bị cho mùa giải mới, thầy chuẩn bị các phương án, kế hoạch, lịch trình, phân công, phân nhiệm cho các bộ phận…tỉ mỉ nhưng khoa học và chuyên nghiệp. Chưa có sân đẹp, chưa an toàn thầy huy động lực lượng học sinh nhặt từng viên gạch, đá nhỏ để giải đấu diễn ra an toàn. Chưa có gôn, thầy tận dụng sắt cũ, thầy trò hàn gắn, treo lưới. Chưa có kinh phí, thầy đề xuất phương án xã hội hóa nguồn kinh phí… biến điều khó thành dễ; biến những cái chưa có thành có thể.

Dù là giải đấu cấp “ao làng” vẫn phải chuyên nghiệp trong mọi khâu tổ chức. Trước giải đấu, không ít thầy cô và phụ huynh học sinh lo lắng rằng bóng đá, thể thao dễ gây trấn thương, va chạm trên sân dẫn đến xích mích ngoài đời. Nhưng sự chuyên nghiệp, trách nhiệm của thầy đã tạo được niềm tin với các bên bằng sự phối hợp chặt chẽ của thầy- đại diện đoàn thanh niên với tổ giáo dục thể chất, và đặc biệt là công tác giáo dục tư tưởng đạo đức cho học sinh- những vận động viên - về tinh thần fair play, về văn hóa thể thao.

Mỗi giải đấu thành công ngoài mong đợi là minh chứng rõ nét nhất cho sự chuyên nghiệp của thầy trong tổ chức giải sau chuyên môn cao hơn giải trước. Từ những mùa giải chỉ dành cho nam sinh nay đã thu hút cả nữ sinh cũng đòi bình quyền. Người đam mê bóng đá, bóng chuyền có sân chơi của mình thì những học sinh không có năng khiếu gì vẫn có cách lựa chọn hòa mình vào thể thao bằng các môn chơi phù hợp với thể chất thể lực như kéo co nhảy bao bố. Tiếng hò reo, tiếng trống giục cổ vũ rộn sân trường mỗi giờ ra chơi hay buổi chiều tan trường.

Năm nào các đội bóng đá nam nữ cũng háo hức đến với giải đấu thể thao không bởi tiền thưởng mà bởi yếu tố tinh thần, màu cờ sắc áo của mỗi đội, để được  phô diễn kỹ năng, kỹ chiến thuật và đặc biệt là “tinh thần đoàn kết” của lớp, chi đoàn

Và nỗi lo, nỗi sợ của các bậc phụ huynh trước giải đấu đã được hóa giải nhẹ nhàng như thế.

Mặc dù được nói là “ngoại đạo”, lại không có lợi thế về thể hình nhưng thầy đã chinh phục những trái tim yêu thể thao và con mắt nhà nghề của các huấn luyện viên, lọt vào mắt xanh của các ông bầu bằng sự chuyên nghiệp trong tổ chức, sự khéo léo nhanh nhẹn kỹ chiến thuật cá nhân, tinh thần đồng đội trong thi đấu.

Một suất đá chính trong đội hình Sở giáo dục Đào tạo tham dự giải bóng đá năm 2003 là minh chứng rõ nét cho việc này.

Trong mắt đồng nghiệp và học trò, thầy là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, một cán bộ Đoàn trẻ tiêu biểu đã được bằng khen về sáng kiến khởi nghiệp và nhiều sáng kiến cải tiến được công nhận hiệu quả, có tính ứng dụng cao trong phạm vi trường, huyện, tỉnh.

Những tiếng hò reo trên sân vận động sau mỗi giờ học hay mỗi giờ chơi với các hoạt động thi đấu tập thể, bất phân thắng bại của liên quân nam-nữ các lớp, chỗ nào thi đấu thể thao chỗ đó ít nhiều mang dấu ấn của thầy. Chuẩn bị sẵn sàng cho các đội, thầy lại lui về hậu trường và lúc này đam mê nhiếp ảnh đã giúp thầy lưu lại cho học trò, đồng nghiệp những khoảnh khắc vô cùng ấn tượng, đáng nhớ để lại những kỷ niệm sâu đậm trong lòng học trò. Thầy thực là Idol trong lòng bao thế hệ học trò.

Người con ân nghĩa của quê hương

Trở về giữa yêu thương của bà con quê hương, thầy Hoàng Nam Ninh mộc mạc, giản dị chân tình. Tạm gác lại những bài giảng, những giờ nghiên cứu trong phòng hóa học, thầy trăn trở con em quê hương ngày nghỉ, ngày hè chơi gì cho lành mạnh, đoàn kết, phát triển kỹ năng, hình thành thái độ sống tích cực, tránh xa các tệ nạn xã hội. Thầy cố vấn hoạt động cho đoàn thanh niên địa phương, phối hợp với anh em cũng tâm huyết chọn thể thao để gắn kết tình quê. Nhiều giải đấu các cấp độ, nhiều hoạt động văn hoá tại địa phương có bàn tay chăm lo, xây dựng của thầy mà thành nề nếp. Ai tham gia được thì nhiệt tình đăng ký ai không tham gia được thì cổ vũ, đăng ký cho con em rồi ủng vật chất tinh thần, góp công góp sức san sân làm mặt bằng. Nguồn kinh phí còn lại sau giải đấu lại được sử dụng để các vận động viên tham gia học tập trải nghiệm báo công với Bác Hồ kính yêu.

Không chỉ tình yêu với xóm làng quê hương, thầy Hoàng Nam Ninh còn trách nhiệm với cộng đồng lớn hơn. Hẳn các anh chị em công nhân và người dân khu công nghiệp Vân Trung sẽ không quên được hình ảnh người chiến sĩ thầm lặng Hoàng Na Ninh trong đại dịch Covid 19 mà Vân Trung Việt Yên là ổ dịch lớn. Vượt qua những nỗi sợ lây nhiễm, phơi nhiễm, thầy xông pha vào tâm dịch với tâm thế sẻ chia giúp đỡ khi mình còn có thể. Lọt thỏm trong bộ quần áo bảo hộ, mồ hôi túa ra giữa cái nắng tháng 5 oi bức,  gương mặt rạm nắng nhưng nụ cười thì hân hoan thường trực khi làm “nhịp cầu nhân ái” chuyển những chuyến hàng cứu trợ tới bà con nhân dân, công nhân khu vực cách ly. Số tiền ủng hộ không hề nhỏ, số hàng không hề ít, các tấm lòng thiện nguyện từ những người thân quen cho đến người lạ họ đến với thầy, chọn thầy làm cầu nối bởi hành động “từ trái tim đã chạm tới trái tim” mà thôi.

Ấy vậy mà như khi bảo thầy viết báo cáo thành tích thầy lại xua tay “việc nhỏ ấy mà, mình còn có sức khỏe, có điều kiện, có phương tiện, việc làm này đã thấm gì với các ý bác sỹ nơi tuyến đầu”.Thoăn thoắt cùng anh em phân phát tiền hàng, lương thực tới tay người thực sự cần, thầy lại xung phong vào trận chiến hỗ trợ lấy máu xét nghiệm, nhập dữ liệu covid…

Không có một tình yêu tình thương xuất phát từ tấm lòng hẳn sẽ không làm được những việc thầy cho là nhỏ bé ấy. Giữ an toàn cho mình lúc Covid đã là một sự đóng góp vào thắng lợi chung rồi. Giữ an toàn cho mình, cho gia đình lại góp công sức bằng những hoạt động thiết thực cụ thể theo sức của mình, hành động ấy đáng trân trọng biết bao.

Tới tình yêu quê hương đất nước bằng những trải nghiệm

Không chỉ học trò mà cả đồng nghiệp luôn háo hức theo dõi những chuyến đi xuyên Việt của thầy mỗi dịp hè. Khám phá những vùng đất mới, tìm hiểu những nền văn hóa mới, thầy yêu quê hương đất nước theo cách của mình. Khám phá trải nghiệm và trân trọng mỗi khi có dịp và mỗi năm ít nhất một hai lần thầy cùng anh em đồng đội, các con, cháu lựa chọn rất nhiều tỉnh thành trên mảnh đất hình chữ S làm điểm đến. Có thể là 10 ngày, 15 ngày hoặc cả tháng trải nghiệm chắc chắn đã cho thầy một vốn sống, một hiểu biết phong phú về ẩm thực về văn hóa về con người về mỗi vùng đất thầy đặt chân. Và thầy lại truyền điều đó cho học trò trong mỗi bài giảng như một sự giáo dục tình yêu quê hương đất nước: “đi để học, để trải nghiệm bằng thực tế để biết quê hương mình đất nước mình xinh đẹp lắm, phong phú lắm”

Đúng là không có đam mê và trách nhiệm sẽ không có được những kết quả như thế

Với những cống hiến không mệt mỏi, thầy Hoàng Nam Ninh đã nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, được nhận Bằng khen của BCH Đoàn tỉnh Bắc Giang trong Cuộc thi “Sản phẩm thanh niên khởi nghiệp” tỉnh Bắc Giang năm 2019, Giấy khen của Giấy khen của Công đoàn giáo dục tỉnh Bắc Giangthành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh năm học 2021 – 2022, bằng khen của Liên đoàn lao động tỉnh Bắc giang năm 2022-2023, Danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền cùng bằng khen của Bộ trưởng bộ giáo dục đào tạo năm 2022-2023. Năm học 2023-2024, thầy được tín nhiệm bầu giữ chức phó bí thư Đoàn trường. Đây là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để thầy thể hiện nhiệt huyết của tuổi trẻ, truyền lửa đam mê tới thế hệ trẻ nhà trường.

Thành tích mà thầy Hoàng Nam Ninh đạt được trong những năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giảng dạy, trang bị kỹ năng cho học sinh tại trường PTTH Lý Thường Kiệt.

Một mùa một mùa tri ân thầy cô lại đến, chúc cho thầy Hoàng Nam Ninh luôn tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ lan tỏa tình yêu hóa học, tình yêu thể thao, đam mê nhiếp ảnh, tình yêu quê hương đất nước đến mỗi thế hệ học trò.

                                                                     Tháng 10 năm 2023

 

                                                                          Tổ Ngoại ngữ

Danh sách tin tức Danh sách tin tức

Tại Hội trường Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bắc Giang, ngày 25 tháng 4 năm 2024 đã diễn ra Hội thi “Tiếng hát nhà giáo, người lao động ngành Giáo dục tỉnh...
Cúm A là mội loại cúm mùa, có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.
Hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, lòng thương yêu đồng loại “Một người vì mọi người”. Mỗi giọt máu chúng ta cho đi đều mang theo niềm...

Xem nhiều Xem nhiều

Tại Hội trường Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bắc Giang, ngày 25 tháng 4 năm 2024 đã diễn ra Hội thi “Tiếng hát nhà giáo, người lao động ngành Giáo dục tỉnh...
Cúm A là mội loại cúm mùa, có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.
Hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, lòng thương yêu đồng loại “Một người vì mọi người”. Mỗi giọt máu chúng ta cho đi đều mang theo niềm...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh