Chi tiết tin tức Chi tiết tin tức

CÔNG ĐOÀN TRƯỜNG THPT LÝ THƯỜNG KIỆT TỔ CHỨC THAM QUAN, HỌC TẬP ĐẦU XUÂN GIÁP THÌN 2024

|
Lượt xem:
Thực hiện kế hoạch hoạt động của Công đoàn trường THPT Lý Thường Kiệt, được sự nhất trí của Chi bộ, BGH, BCH CĐ đã tổ chức chuyến tham quan học tập đầu năm với lịch trình Chùa Tây Phương- Chùa Khai Nguyên- đề thờ Thân Nhân Trung. Thời gian tổ chức chuyến học tập diễn ra trong vòng một ngày 18/02/2024(tức ngày mùng 9 tháng giêng năm Giáp Thìn).

 

         Trong tâm thức của người Việt, chùa là chốn tôn nghiêm, linh thiêng nhưng cũng rất gần gũi. Chùa là nơi có giáo lý nhà Phật hướng định con người đến các giá trị đạo đức thiện lành, hiểu biết, yêu thương, từ bi hỉ xả; khuyên mọi người tránh xa lầm lạc, tham, sân, si… Chính vì thế cửa chùa luôn rộng mở với mọi người và ai cũng cảm thấy bình yên, thảnh thơi, an lành, hạnh phúc…mỗi khi lui tới viếng thăm.

        Đi lễ chùa đầu năm để ước nguyện, cầu bình an là một hoạt động không thể thiếu của  người dân trong những ngày xuân. Đây là một nét đẹp văn hóa của người Việt được giữ gìn và phát huy qua các thế hệ.

 

Hình ảnh tập thể CBGVNV trường THPT Lý Thường Kiệt tại Tam quan hạ - Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương

       Trong tiết trời se lạnh buổi sớm mùa xuân, đoàn tham quan, chiêm bái lễ Phật đã chọn điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình là chùa Tây Phương.

       Chùa Tây Phương hay còn được gọi là Sùng Phúc Tự, đây là tên chữ cổ của chùa , mang hàm nghĩa Tự là chùa, Sùng Phúc là nơi Đức Phật luôn hướng những điều thiện điều phúc đức. Tọa lạc ở huyện Thạch Thất, Hà Nội, chùa Tây Phương được biết đến là một trong những loại hình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, không chỉ thế nơi đây còn thu hút du khách bởi vẻ đẹp huyền bí và tĩnh lặng của núi rừng, sự linh thiêng hội tụ tinh hoa đất trời.

        Theo các nhà Sử học, ngôi chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ 8, sau nhiều lần trùng tu và cải tạo, ngôi chùa mang hình dáng kiến trúc như ngày nay.

 

         Chùa Tây Phương (Hà Nội) lưu giữ hệ thống 64 pho tượng phật giáo niên đại thế kỷ XVIII, XIX, phản ánh đậm nét đời sống, văn hóa Việt Nam trong nhiều giai đoạn lịch sử. 18 vị La Hán ở đây được các nghệ nhân dân gian sáng tạo vượt qua mọi chuẩn mực, trở thành những tác phẩm kinh điển của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Vì thế, trong chuyến tham quan này, các CBGVNV nhà trường không những được trở về chốn thiền môn tĩnh lặng, cầu bình an, sức khỏe mà còn được vãn cảnh, chiêm ngưỡng những sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao của cha ông ta xưa, có thêm những trải nghiệm thực tế về văn hoa, nghệ thuật để phục vụ cho công tác giảng dạy, giáo dục học sinh.

“Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?

Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.”

(Các vị La Hán chùa Tây Phương- Huy Cận)

         Rời khỏi chốn thiền môn linh thiêng chùa Tây Phương, đoàn tiếp tục tới thăm Chùa Khai Nguyên.

        Chùa Khai Nguyên trước đây là Cổ Liêu Tự và có tên thường gọi là chùa Cheo. Tọa lạc tại vùng quê Sơn Tây bình dị, chùa cách thành phố Hà Nội khoảng 45km.

       Với niên đại lịch sử từ nửa đầu thế kỷ XVI, chùa Khai Nguyên đã trải qua nhiều giai đoạn trùng tu và phục dựng nhờ sự đóng góp của nhân dân và Phật tử vào năm 1759, 1981. Từ năm 2003, sau khi về trụ trì, Đại Đức Thích Đạo Thịnh đã đẩy mạnh công tác tu bổ và mở rộng khuôn viên chùa Khai Nguyên, nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của Tăng Ni và các tín đồ Phật tử. Hiện nay, chùa Khai Nguyên trở thành ngôi chùa nức tiếng vùng Sơn Tây. Là nơi có bức tượng Phật A Di Đà lớn nhất vùng Đông Nam Á.

        Chùa Khai Nguyên hiện tại mang lối kiến trúc kim - cổ giao hòa. Đó là kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”, các gian thờ đã được bố trí theo kiểu “tiền Phật hậu Tổ”. Phía cuối chùa là Tăng đường cùng tả vu, hữu vu, Tháp Báo Ấn, gác chuông, gác trống… Ngoài ra, phía trước chùa có một hồ nước lớn hình chữ nhật. Hồ nước này quanh năm xanh trong như ngọc. Trên mặt hồ có lầu gác mô phỏng lại hình dáng của Chùa Một Cột. Tại đây có gian thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát và lưu giữ bộ kinh Địa Tạng quý, thu hút sự chú ý của các tín đồ Phật Giáo. 

       Tại điểm chiêm bái thứ hai, các thành viên trong đoàn đã có những trải nghiệm tuyệt vời. Dưới đây là một vài hình ảnh của đoàn tham quan học tập tại chùa Khai Nguyên.

 

        “Đi xa để trở về”. Điểm tham quan cuối cùng cũng là hành trình trở về Bắc Giang, đoàn đến thắp hương tại đền thờ Thân Nhân Trung tại TDP  Yên Ninh- Phường Nếnh- TX Việt Yên- Bắc Giang.( Trước đây là làng Yên Ninh- TT Nếnh- huyện Việt Yên- Bắc Giang)

        Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, làng cổ Yên Ninh được cả nước biết đến là "làng Tiến sĩ". Với truyền thống hiếu học, khoa bảng vốn có, cùng ý chí quyết tâm luyện rèn kinh sử xưa tại làng Yên Ninh đã giúp cho ngôi làng lập lên một thành tích khoa cử nổi danh trong cả nước. Đó là vào khoảng thế kỷ XV- XVII, khi cả tỉnh Bắc Giang có 5 quan Tế tửu, Tư nghiệp ở Quốc Tử Giám thì riêng làng Yên Ninh đã có 4 người (Thân Nhân Trung, Nguyễn Lễ Kính, Đỗ Văn Quýnh, Hoàng Công Phụ). Trong đó, người mở đầu khai khoa là Tiến sĩ Thân Nhân Trung đỗ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Kỷ Sửu năm 1469. trong khoảng gần 200 năm từ 1469 - 1619,  làng Yên Ninh đã có 10 Tiến sĩ đỗ đạt thành danh qua các khoa thi của các triều đại phong kiến Lê - Mạc, trong đó dòng họ Thân có 4 đời cha con, ông, cháu đều đỗ Tiến sĩ. Tiêu biểu là Tiến sĩ Thân Nhân Trung, người đã khơi nguồn truyền thống hiếu học tại vùng đất Yên Ninh xưa, ông đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp chính trị, văn hóa, giáo dục dưới thời vua Lê Thánh Tông. 

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn…”. Tư tưởng của Thân Nhân Trung không chỉ dừng lại trong phạm vi xã hội thời Lê mà nó còn mang ý nghĩa quan trọng xuyên suốt chiều dài lịch sử đối với mọi quốc gia, dân tộc qua các thời kỳ lịch sử.

Nhằm bảo lưu và gìn giữ những giá trị truyền thống hiếu học tại làng quê khoa bảng Yên Ninh, qua nhiều thời kỳ, các dòng họ ở Yên Ninh đã lập các ngôi đền, từ đường, nhà thờ họ để tôn thờ và ghi nhớ công lao của các vị tiên tổ và các vị Tiến sĩ giúp rạng danh quê hương như đền thờ họ Thân, đền thờ Hoàng Công Phụ, đền thờ Tiến sĩ  (thờ 10 vị Tiến sĩ làng Yên Ninh xưa)… Trải qua các giai đoạn lịch sử, một số ngôi đền thờ của các dòng họ như họ Thân, họ Hoàng… đã bị phá hủy do chiến tranh, cũng như bị hư hỏng và xuống cấp do nắng mưa, thời gian. Trên cơ sở đó, để bảo tồn và phát huy truyền thống hiếu học khoa bảng của tỉnh Bắc Giang, năm 2015, UBND tỉnh Bắc Giang đã có Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 23/10/2015 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên với tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Quy mô đền thờ có tổng diện tích xây dựng 19.183,5m2, với các hạng mục chính gồm: Đền thờ, Tả vu, Hữu vu, Nhà bia, Nghi môn, Tượng đài, bãi đỗ xe, khu dịch vụ... Riêng đền thờ chính có diện tích khoảng 400m2. Đến nay, dự án đã hoàn thành các hạng mục và đưa vào sử dụng đón tiếp các đoàn khách đến dâng hương, tham quan tìm hiểu về vùng đất, con người nơi đây. Có thể nói, đây là công trình văn hóa lớn, có ý nghĩa tri ân với những công lao, đóng góp to lớn cho quê hương, đất nước của  danh nhân văn hóa, Tiến sĩ Thân Nhân Trung. Đồng thời, nơi đây trở thành một địa chỉ giáo dục, khơi dậy truyền thống hiếu học, khoa cử của tỉnh Bắc Giang.

 

        Cùng với các di tích trong vùng như đền thờ Tiến sĩ, Nghè Nếnh, Đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung đã trở thành địa điểm giáo dục truyền thống văn hóa về tinh thần hiếu học cho nhân dân địa phương. Với những giá trị to lớn, gắn với danh nhân tiêu biểu của quốc gia dân tộc, ngày 09/6/2022, đền thờ Tiến sĩ Thân Nhân Trung được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 1150/QĐ-UBND).

 

      Chuyến tham quan học tập đã kết thúc an toàn, vui vẻ, tiết kiệm mang đến những trải nghiệm thú vị đầu năm. Đây là dịp để cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường được học hỏi, giao lưu, gắn kết, bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc, có thêm động lực làm việc, phấn đấu thi đua yêu nước.

 

Danh sách tin tức Danh sách tin tức

Tại Hội trường Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bắc Giang, ngày 25 tháng 4 năm 2024 đã diễn ra Hội thi “Tiếng hát nhà giáo, người lao động ngành Giáo dục tỉnh...
Cúm A là mội loại cúm mùa, có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.
Hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, lòng thương yêu đồng loại “Một người vì mọi người”. Mỗi giọt máu chúng ta cho đi đều mang theo niềm...

Xem nhiều Xem nhiều

Tại Hội trường Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bắc Giang, ngày 25 tháng 4 năm 2024 đã diễn ra Hội thi “Tiếng hát nhà giáo, người lao động ngành Giáo dục tỉnh...
Cúm A là mội loại cúm mùa, có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.
Hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, lòng thương yêu đồng loại “Một người vì mọi người”. Mỗi giọt máu chúng ta cho đi đều mang theo niềm...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh