Chi tiết tin tức Chi tiết tin tức

CHUYÊN ĐỀ SINH HOẠT CHI BỘ QUÝ I NĂM 2023

|
Lượt xem:

BIỆN PHÁP XÂY DỰNG CHI BỘ TRƯỜNG THPT LÝ THƯỜNG KIỆT TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG, TỔ CHỨC VÀ ĐẠO ĐỨC; XÂY DỰNG NHÀ TRƯỜNG NGÀY CÀNG XANH, SẠCH ĐẸP VÀ HẠNH PHÚC

 

Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, là Đảng duy nhất có khả năng lãnh đạo và chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, điều này được minh chứng qua quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập. Nhân dân Việt Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam đời đời khắc ghi công lao to lớn của Đảng, để ngày hôm nay và mãi mãi mai sau này họ được sống trong khung cảnh đất nước thanh bình, vì vậy phải luôn coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ không chỉ là của tổ chức Đảng, Đảng viên mà là trách nhiệm của cả dân tộc, bởi Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Trong quá trình hoạt động, cơ quan Đảng các cấp trong đó đặc biệt là cấp chi bộ, trong đó có chi bộ trường THPT Lý Thường Kiệt đã đạt được rất nhiều kết quả tốt, đáng khích lệ, song bên cạnh đó vẫn còn những bất cập trong công tác phê và tự phê, thanh tra kiểm tra, chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng cán bộ đảng viên do đó cần phải có “biện pháp xây dựng chi bộ trường thpt lý thường kiệt  trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng nhà trường ngày càng xanh, sạch đẹp và hạnh phúc” là hết sức cần thiết.

Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những luận điểm cơ bản về xây dựng Đảng nói chung và xây dựng chi bộ đảng nói riêng là một nội dung rất quan trọng, trong đó nổi bật là tư tưởng về xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh. Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng, chi bộ trong sạch, vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành đúng đủ, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng, trái lại nếu chi bộ yếu kém thì công việc không trôi chảy, cho nên cần phải quyết tâm xây dựng chi bộ, phải làm cho chi bộ trở thành chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Nói về chi bộ trong sạch, vững mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: là đảng viên gương mẫu trong mọi công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ thật sự đoàn kết; chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, lãnh đạo tốt sản xuất và chiến đấu; một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thiết thực chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đối với Đảng thì củng cố và phát triển tốt. Đồng thời, Người cũng luôn nhắc nhở phải phê bình nghiêm khắc những chi bộ yếu kém, không gương mẫu, thiếu đoàn kết, xa rời quần chúng, cán bộ lãnh đạo quan liêu mệnh lệnh. Do đó, phải thường xuyên chỉnh đốn chi bộ, không để những phần tử xấu lợi dụng phá hoại nội bộ, và mỗi đồng chí, nếu sai phạm mất hết tư cách đảng viên thì cần đuổi ra khỏi Đảng, cần cách chức thì phải cách chức, cần hạ tầng công tác thì hạ tầng công tác, có thể giáo dục thì giáo dục. Do đó, việc xây dựng chi bộ trong đó có chi bộ trường thpt lý thường kiệt  trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng nhà trường ngày càng xanh, sạch đẹp và hạnh phúc ở giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, để thực hiện được điều này nhất thiết phải quan tâm tới các biện pháp sau:

Thứ nhất, phải triệt để thực hành dân chủ, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Theo Hồ Chí Minh toàn tập: “Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ”, phát huy tự phê bình và phê bình, bởi vì: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng thêm mạnh, nhờ nó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng”.

Dân chủ trong chuẩn bị nghị quyết, ra nghị quyết và thực hiện nghị quyết, giữ vững nguyên tắc, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt chi bộ, tập trung trên cơ sở dân chủ, dân chủ dưới sự lãnh đạo, được sự bảo đảm của tập trung. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ gồm nhiều khâu, nhiều mặt, chi bộ cần nắm chắc đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của đơn vị mình để có nội dung, biện pháp cụ thể, gắn liền với đổi mới, chỉnh đốn Đảng. Kiên quyết đấu tranh khắc phục bệnh quan liêu, độc đoán, dân chủ hình thức cũng như mọi biểu hiện phân tán cục bộ, bản vị, địa phương chủ nghĩa, vô tổ chức, vô kỷ luật.

Chi bộ là hạt nhân chính trị ở cơ sở, trong quá trình hoạt động và phát triển nội bộ chi bộ và đơn vị không tránh khỏi những mâu thuẫn; những khuyết điểm, nhận thức lệch lạc và hành vi sai trái của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh phải thường xuyên thực hành tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Theo cuốn Sửa đổi lối làm việc, Người viết: “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học hỏi ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm”. Thực hành tốt tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ sẽ không ngừng xây dựng, củng cố niềm tin của quần chúng với Đảng, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ cần tuân thủ và thực hiện tốt các nguyên tắc: trên cơ sở Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tôn trọng và bảo vệ lợi ích của Đảng, tiến hành có tổ chức và trong tổ chức, chấp hành đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; tránh lợi dụng phê bình để đả kích cá nhân, gây rối nội bộ.

Trên thực tế để thực hiện tốt giải pháp này, chi bộ trường THPT Lý Thường Kiệt cần phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp cơ bản như: xác định rõ chức năng, tình hình, nhiệm vụ của chi bộ; thực hiện các tiêu chuẩn chi bộ trong sạch, vững mạnh; kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của tổ chuyên môn, Công đoàn, Đoàn thanh niên, luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trong việc xây dựng chi bộ.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ đảng viên trong sạch vững mạnh, có chất lượng cao, số lượng phù hợp

Đảng viên là thành viên của chi bộ, sự vững mạnh của đội ngũ đảng viên ảnh hưởng trực tiếp đến sự trong sạch, vững mạnh của chi bộ. Hồ Chí Minh chỉ rõ trong cuốn Hồ Chí Minh toàn tập: “Chi bộ trong sạch vững mạnh là do các đảng viên đều trong sạch vững mạnh” và “muốn có Đảng bộ trong sạch vững mạnh, chi bộ trong sạch vững mạnh, phải có đảng viên trong sạch vững mạnh”. Ngược lại: Chi bộ kém là vì đảng viên và cán bộ không một lòng một dạ phục vụ nhân dân; không lãnh đạo nhân dân lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm. Một số đảng viên và cán bộ còn mang nặng những thói xấu như tham ô, ích kỷ... họ đã không làm kiểu mẫu tốt, mà lại nêu gương xấu. Do vậy, xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh là nội dung trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chi bộ.

Xây dựng đội ngũ đảng viên ở chi bộ cần chú trọng cả số lượng và chất lượng, trong đó lấy chất lượng làm chính. Đảng viên là lực lượng góp ý, tham gia xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng; là lực lượng trực tiếp động viên, tổ chức, hướng dẫn quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương đó; là tấm gương để quần chúng noi theo. Cho nên, nâng cao chất lượng đảng viên là một nội dung cơ bản của xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nâng cao chất lượng đảng viên còn là yêu cầu của việc xây dựng chi bộ Đảng. Theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh: “Đổi mới, tăng cường công tác phát triển đảng viên, bảo đảm chất lượng đảng viên theo yêu cầu của điều lệ Đảng. Xây dựng các tiêu chí, yêu cầu cụ thể về tư tưởng, chính trị, trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới; phát huy tính tiền phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo của đội ngũ đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên”.

Thứ ba,  nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Sinh hoạt chi bộ có vị trí quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ.

Muốn nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ, cần đặc biệt coi trọng ba tính chất sinh hoạt Đảng trong các chi bộ: tính lãnh đạo, tính chiến đấu và tính giáo dục. Ba tính chất trên có mối quan hệ mật thiết và có sự tác động qua lại, biện chứng thống nhất nên phải thực hiện đồng bộ mới có kết quả.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cần thường xuyên cải tiến và đổi mới nội dung sinh hoạt. Có thể phân loại hình thức sinh hoạt chi bộ thành ba vấn đề: sinh hoạt chính trị: bàn và ra các nghị quyết, quyết định lãnh đạo; sinh hoạt học tập: nghiên cứu, quán triệt, thảo luận các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghe thông tin, thời sự trong nước và quốc tế; sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Tùy nội dung sinh hoạt mà lựa chọn hình thức sinh hoạt cho phù hợp.

Thứ tư, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng chi bộ, kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.

Hồ Chí Minh dạy rằng, khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra; muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp ủy đảng phải tăng cường công tác kiểm tra.

Mọi đảng viên phải được đặt trong phạm vi kiểm tra, giám sát của chi bộ. kiểm tra không phải là “vạch lá tìm sâu”, làm giảm thành tích. Kiểm tra phải có hệ thống, kịp thời, khách quan, công minh, chính xác, sâu sát. Chỉ có như vậy, công tác xây dựng chi bộ mới có hiệu quả, chi bộ mới bảo đảm được vai trò lãnh đạo của mình, hoàn thành sứ mệnh và trọng trách mà nhân dân giao phó.

Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đứng trước những vận hội mới và thách thức mới, tiếp tục sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hơn bao giờ hết, chúng ta phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng các tổ chức chi bộ vững mạnh, rèn luyện tư cách đảng viên với phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Việc nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong xây dựng chi bộ nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thứ năm, phát huy vai trò của quần chúng trong xây dựng chi bộ

Trong Hồ Chí Minh toàn tập Người có khẳng định: “Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường…” bởi vì, “Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng”.

Gắn bó mật thiết và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng chi bộ thể hiện bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc của Đảng; là nguồn sức mạnh, là vấn đề có ý nghĩa sống còn của Đảng, là tiêu chuẩn của một Đảng mác-xít, đồng thời là vấn đề cơ bản, cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Quần chúng là người giám sát rất chặt chẽ, công tâm mọi hoạt động của chi bộ, hành vi, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực của cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, quần chúng kịp thời góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên; chủ trương, biện pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ; bổ sung nguồn lực ưu tú nhất trong quần chúng vào Đảng; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng trong xây dựng cơ quan.

Thứ sáu, tăng cường tổ chức hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng đảng viên gương mẫu chi bộ vững mạnh

Chi bộ cần xây dựng, lập kế hoạch tổ chức các buổi hội thảo, các buổi chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng đảng viên gương mẫu, quán triệt về gương mẫu, đưa ra các tiêu chí cụ thể đối với một đảng viên gương mẫu để các đảng viên trong chi bộ học tập và noi theo.

Do vậy chi bộ cần phải xây dựng cơ chế, quy định cụ thể để quần chúng chủ động, tích cực tham gia xây dựng Đảng nói chung và chi bộ trường THPT Lý Thường Kiệt nói riêng; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo điều kiện thuận lợi và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, của công luận đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, chi bộ đây là giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài của công tác xây dựng chi bộ trường THPT Lý Thường Kiệt.

Trường học Xanh-Sạch đẹp-Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục học sinh về hành vi, thái độ, thói quen giữ gìn bảo vệ môi trường ở trường học và tạo sự lan tỏa đến môi trường gia đình, cộng đồng các em đang sinh sống, đồng thời góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp và lối sống văn minh, văn hóa cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn là học sinh. 

Dựa trên những điều kiện thực tế trên, tôi mong muốn đóng góp một vài ý kiến nhằm khắc phục những thiếu sót và phát huy hiệu quả hơn nữa những gì đã đạt được giúp công tác Xanh-Sạch đẹp-Hạnh phúc trường học ngày càng phát triển.

 Công tác tuyên truyền:

- Tập huấn về vấn đề giáo dục môi trường cho cán bộ, giáo viên.

- Tích cực lồng ghép giáo dục môi trường vào các tiết học.

- Hàng tuần, hàng tháng lãnh đạo nhắc nhở đôn đốc cán bộ, giáo viên thực hiện tốt việc xây dựng Trường Xanh- Sạch đẹp- Hạnh phúc.

- Lãnh đạo, giáo viên nhắc nhở giáo dục học sinh trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, hoạt động ngoại khóa..

- Công tác đoàn, đội, hội tham gia tích cực vào phong trào của địa phương, thu hút sự quan tâm đông đảo của học sinh.

- Các bộ phận trong trường phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện Trường Xanh- Sạch đẹp- Hạnh phúc.

 Các giải pháp chính thực hiện Xanh-Sạch đẹp-Hạnh phúc:

- Đối với học sinh: Học sinh phải có ý thức tự giác giữ gìn môi trường xanh-sạch đẹp-hạnh phúc. Ngay từ ngày đầu tiên bước chân đến trường và thực hiện ở mọi lúc mọi nơi. Học sinh từng em, từng nhóm được trực tiếp tham gia các việc làm cụ thể hàng ngày, hàng tuần về xây dựng lớp học, trường học của mình ngày càng xanh – sạch đẹp- hạnh phúc hơn.

- Đối với giáo viên: Giúp học sinh hiểu rõ một số yêu cầu về xây dựng và giữ gìn trường học xanh – sạch  đẹp- hạnh phúc, thực hiện có hiệu quả việc khai thác nội dung, kiến thức giáo dục môi trường thông qua các môn học trong chương trình giảng dạy.

- Đối với cán bộ quản lý nhà trường: Triển khai cụ thể đến từng giáo viên nội dung yêu cầu, tiêu chí trường xanh-sạch đẹp-hạnh phúc, cuối năm học tự đánh giá theo kế hoạch của trường đã đề ra, hoàn chỉnh bản đồ quy hoạch của trường, quyết định thành lập ban xanh-sạch đẹp-hạnh phúc.

Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch quản lý, chỉ đạo cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh thi đua xây dựng trường, lớp xanh, sạch đẹp, hạnh phúc. Được xem là một trong các tiêu chí thi đua của lớp, của từng cán bộ giáo viên, nhân viên trong năm học.

 Thành lập ban giám sát, kiểm tra: Ban giám sát có nhiệm vụ thường xuyên giám sát việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường lớp xanh, sạch đẹp, hạnh phúc” của cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh các lớp, có sự đánh giá, nhận xét hàng tuần để nhắc nhở đội ngũ thực hiện tốt việc xây dựng trường, lớp xanh, sạch đẹp, hạnh phúc.

Xây dựng khuôn viên trường luôn xanh, sạch đẹp, hạnh phúc, xây dựng lớp học, lập kế hoạch bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường giáo dục…

Mời chuyên viên sở giáo dục và ban đại diện cha mẹ học sinh cùng giúp đỡ nhà trường trong việc tổ chức thực hiện.

Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa tuyên truyền vệ sinh môi trường .

Tổ chức các hội thi (an toàn giao thông, môi trường, trò chơi dân gian…)

 

 

Việt Yên, ngày 31 tháng 3 năm 2023

Người viết chuyên đề

 

 

Ngô văn Trường

 

Danh sách tin tức Danh sách tin tức

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nâng cao kiến thức và kỹ năng về PCCC&CNCH cho cán bộ, giáo viên, học sinh, đồng...
Căn cứ Công văn hướng dẫn số 54/CV-CĐGD ngày 23/02/2024 của Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục tỉnh định hướng công đoàn cơ sở về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3),...
Bác Hồ từng căn dặn: “thanh niên phải là rường cột của nước nhà”, “phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Ghi nhớ lời dạy của Bác, lớp lớp thể hệ...
Thực hiện kế hoạch hoạt động của Công đoàn trường THPT Lý Thường Kiệt, được sự nhất trí của Chi bộ, BGH, BCH CĐ đã tổ chức chuyến tham quan học tập đầu năm với lịch trình Chùa Tây Phương- Chùa Khai...

Xem nhiều Xem nhiều

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nâng cao kiến thức và kỹ năng về PCCC&CNCH cho cán bộ, giáo viên, học sinh, đồng...
Căn cứ Công văn hướng dẫn số 54/CV-CĐGD ngày 23/02/2024 của Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục tỉnh định hướng công đoàn cơ sở về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3),...
Bác Hồ từng căn dặn: “thanh niên phải là rường cột của nước nhà”, “phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Ghi nhớ lời dạy của Bác, lớp lớp thể hệ...
Thực hiện kế hoạch hoạt động của Công đoàn trường THPT Lý Thường Kiệt, được sự nhất trí của Chi bộ, BGH, BCH CĐ đã tổ chức chuyến tham quan học tập đầu năm với lịch trình Chùa Tây Phương- Chùa Khai...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh