Chi tiết tin tức Chi tiết tin tức

CHUYÊN ĐỀ QUÝ IV NĂM 2022 - CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ ỨNG DỤNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ, GIÁO DỤC NHÀ TRƯỜNG

|
Lượt xem:

I. MỞ ĐẦU

Với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số chính là xu hướng của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Việc áp dụng công nghệ vào giáo dục có vai trò vô cùng to lớn, tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn và đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học. Đến nay, xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục đã và đang tác động sâu sắc đến con người.

Thế nào là chuyển đổi số trong giáo dục?

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ xác định như sau: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học; kiểm tra trực tuyến; thi trực tuyến trên các nền tảng số. Hiểu một cách đơn giản thì chuyển đổi số trong giáo dục chính là việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến giúp nâng cao trải nghiệm của người học; cải thiện những phương pháp giảng dạy cũng như tạo môi trường để học tập thuận tiện nhất, hiệu quả nhất.

Ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình giáo dục thông minh, từ đó giúp việc học, hấp thụ kiến thức của người học trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Sự bùng nổ của các nền tảng công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền đạt kiến thức và phát triển được khả năng tự học của người học mà không bị giới hạn về thời gian cũng như không gian. Hiện tại, chuyển đổi số trong giáo dục được ứng dụng dưới 4 hình thức chính là: ứng dụng công nghệ trong phương pháp giảng dạy: lớp học thông minh, lập trình… vào việc giảng dạy; ứng dụng công nghệ trong quản lý: công cụ vận hành, quản lý; ứng dụng công nghệ trong lớp học: công cụ giảng dạy, cơ sở vật chất; ứng dụng công nghệ trong kiểm tra, đánh giá.

Ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo ra mô hình giáo dục thông minh.

Giáo dục thông minh (Smart Education) hay Giáo dục 4.0 là mô hình học tập có sự hỗ trợ từ công nghệ, giúp học sinh có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, thích ứng với thế hệ kỹ thuật số mới hiện nay. Smart trong Smart Education không chỉ có nghĩa là thông minh mà còn được hiểu là từ viết tắt cho S.M.A.R.T:

  • S (Self-directed): Định hướng
  • M (Motivated): Động cơ học tập
  • A (Adaptive): Khả năng tương thích
  • R (Resource enriched): Nguồn học liệu phong phú
  • T (Technology embedded): Áp dụng công nghệ

So với các mô hình giảng dạy lớp học truyền thống, giáo dục thông minh là mô hình giúp gia tăng sự tương tác trực quan giữa học sinh và giáo viên thông qua các kỹ năng, sở thích học tập của học sinh.

Mô hình Giáo dục thông minh bao gồm những thành phần sau:

  • Hệ thống trung tâm điều hành
  • Hệ thống trường học thông minh
  • Kho học liệu số
  • Hệ thống đào tạo, diễn đàn dành cho cán bộ quản lý, giáo viên
  • Hệ thống kiểm tra, đánh giá chất lượng
  • Hệ thống các đối tác kết nối trong và ngoài nước

Các thành phần của mô hình giáo dục thông minh (Smart Education)

Hệ thống trường học thông minh được đánh giá là thành phần quan trọng nhất trong mô hình giáo dục thông minh. Đây là các trường học đổi mới với mô hình giảng dạy áp dụng khoa học và công nghệ vào quản lý cùng hình thức dạy, học tập.

Trường học thông minh có thể được hiểu là trường học vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên nền tảng ứng dụng tiến bộ công nghệ kỹ thuật số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong đào tạo thế hệ trẻ. Mô hình trường học thông minh được triển khai:

  • Hạ tầng công nghệ thông tin
  • Phòng học thông minh
  • Phòng tin học, ngoại ngữ
  • Thư viện thông minh
  • Phòng học phương pháp STEM
  • Phòng họp và môi trường đào tạo trực tuyến
  • Hệ thống thông tin giáo dục nhà trường
  • Hệ thống phần mềm đồng bộ phục vụ công tác vận hành, giảng dạy và học tập.

Điểm qua những ưu điểm vượt trội mà mô hình Trường học thông minh ở bảng sau đây:


Những ưu điểm vượt trội của mô hình Trường học thông minh

II. THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC HIỆN NAY

Việt nam đã và đang chuyển đổi số trong giáo dục bằng hàng loạt các chính sách đã được ban hành. Theo thống kê tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung cho giáo dục. Đồng thời, hiện nay các trường thuộc khối phổ thông đã sử dụng phần mềm để quản lý trường học. Ngoài ra, việc áp dụng chuyển đổi số đã góp phần thúc đẩy hoạt động “học tập suốt đời” cùng tài liệu trực tuyến. Tiêu biểu có thể kể đến là hoạt động chia sẻ các bài giảng điện tử, câu hỏi trắc nghiệm, đề kiểm tra trực tuyến,… từ những giáo viên có chuyên môn tốt.

Bên cạnh đó, một số chủ trương khác cũng được triển khai chính là thực hiện những chương trình giáo dục phổ thông mới:

- Môn tin học sẽ chính thức trở thành môn học bắt buộc dành cho học sinh từ lớp 3, việc này giúp học sinh tiếp cận được với rất nhiều kiến thức kỹ năng hiện đại trong và ngoài nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo tin rằng, trong tương lai sẽ có những thế hệ công dân toàn cầu với năng lực cạnh tranh tốt;

- Việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy, giúp học sinh có thể giải quyết được các bài toán khó cũng như khám phá nhiều hiện tượng trong cuộc sống trực quan nhất;

- Đối với chuyển đổi số áp dụng trong giáo dục THPT, các trường đã tăng cơ hội triển khai hoạt động trong giảng dạy gắn liền với nhu cầu nắm bắt các thông tin, cập nhật kiến thức, điều chỉnh nội dung, chương trình, dự báo phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT và hướng nghiệp theo xu hướng mới phù hợp với nhu cầu, nguyên vong của học sinh và sự phát triển của đời sống xã hội.

Bên cạnh những kết quả chuyến biến tích cực, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể:

- Quá trình tiếp cận về kiến thức trực tuyến của giáo viên và học sinh còn gặp nhiều khó khăn do mạng internet chưa ổn định và trang thiết bị công nghệ thông tin chưa được đảm bảo, gây ảnh hưởng lớn đến công tác về quản lý giáo dục trong dạy và học. Đây chính là vấn đề phải ưu tiên khắc phục giúp triển khai thành công và đặc biệt là nhu cầu dạy và học trực tuyến khi điều kiện học trực tiếp không cho phép.

- Chưa có sự kiểm soát sát sao và toàn diện về học liệu số (Học liệu số là tập hợp các phương tiện điện tử phục vụ dạy và học, bao gồm: giáo trình điện tử, sách giáo khoa điện tử, tài liệu tham khảo điện tử, bài kiểm tra, đánh giá điện tử… và các học liệu được số hóa khác): để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập, nghiên cứu của giáo viên và học sinh, cần có kho tài liệu số chuẩn xác, phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của chúng ta vẫn chưa thể đáp ứng được công việc này. Vì vậy, hiện đang xảy ra rất nhiều tình trạng về học liệu số tràn lan, thiếu tính xác thực và không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như nội dung. Từ đó, gây ra tình trạng không đồng nhất về kiến thức và tạo nên nhiều hệ lụy khác như tốn thời gian tìm tòi, chưa có sự đồng nhất về học liệu trong các bộ môn.

- Các tổ chuyên môn chưa tích cực trong việc xây dựng học liệu số dùng chung trong nhà trường và liên kết với các đơn vị bạn vì vậy chưa phát huy được hiệu quả trong việc chuyển đổi số trong giáo dục.

* Thực trạng chuyển đổi số trong công tác quản lý, giáo dục tại trường THPT Lý Thường Kiệt:

Thuận lợi:

Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc từ các cấp lãnh đạo tại địa phương và Sở Giáo dục và đào tạo Bắc Giang về công tác chuyển đổi số và ưng dụng CNTT trong dạy học và kiểm tra, đánh giá.

Cơ sở vật chất phục vụ dạy học theo xu thế 4.0: Bảng tương tác, máy chiếu, phòng học trang bị Smart Tivi và phủ sóng wifi toàn trường, phòng học Tiếng Anh,  phòng học Tin học.

Các hành lang, sân trường đều có hệ thống camera giám sát, quản lý các hoạt động trong sân trường.

Có hệ thống chuông tự động báo ra, vào lớp đảm bảo chính xác thời gian cho hoạt động dạy-học của nhà trường.

Triển khai hệ thống thông tin giáo dục trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, sổ liên lạc điện tử.

100% giáo viên đạt chuẩn, đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và giáo dục HS, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Có nhiều SKKN ứng dụng CNTT trong giáo dục được công nhận cấp cơ sở, cấp ngành giáo dục.

Đa số HS có ý thức học tập, tích cực và sáng tạo; Tích cực sử dụng các ứng dụng trực tuyến trong quản lý và giáo dục.

Khó khăn:

Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được mỗi HS trong lớp học thông minh có một máy tính bảng hay tablet.

Chưa xây dựng được hệ thống thư viện thông minh của nhà trường.

III. GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY VIỆC CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC

Với những hạn chế, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số giáo dục, nhà trường cần đưa ra những giải pháp, chiến lược mang tính dài hạn, có lộ trình cụ thể.

- Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong giáo dục: cần thực hiện nâng cao nhận thức, phổ cập tư tưởng cho từng giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý của nhà trường để nắm được tầm quan trọng của chuyển đổi số và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục. Bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ cho toàn thể giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý nhà trường để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số trong giáo dục. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay.

- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong giáo dục: cần chú trọng về triển khai hệ thống để chia sẻ dữ liệu đồng bộ trong giáo dục, từng bước chuyển đổi những tài liệu giấy qua văn bản điện tử để giúp thuận tiện hơn trong công tác quản lý. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin (máy tính, wifi) phục vụ dạy - học, tạo cơ hội học và tiếp cận thông tin của tất cả giáo viên và học sinh, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ và huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia thực hiện.

- Thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học); hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn trường, liên kết với các đơn vị khác, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục mới dựa trên các nền tảng số. Triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa nhà trường, gia đình, giáo viên, học sinh, phát triển các khóa học trực tuyến mở; triển khai hệ thống học tập trực tuyến dùng chung toàn trường phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên.

- Xây dựng, củng cố hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ: hạ tầng mạng và trang thiết bị công nghệ phải được đổi mới, nâng cấp để có thể phủ mạnh khắp toàn trường.        Với giải pháp này, có thể ưu tiên sử dụng hình thức thuê dịch vụ hay huy động nguồn lực xã hội. Tăng cường kết hợp công nghệ với cơ sở dữ liệu số chuyên ngành nhằm xây dựng các hệ thống thu thập thông tin đưa ra các dự báo, dự đoán và tạo ra các ứng dụng, dịch vụ phù hợp đến từng đối tượng người học.

- Trang bị các ứng dụng phần mềm quản lý giáo dục cần thiết để góp phần quan trọng trong quản lý giáo dục cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy; kiểm tra, đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay. Theo đó, phải thống nhất các quy định về: khai thác và chia sẻ dữ liệu; hình thức trong giảng dạy; quản lý hiệu quả khóa học trực tuyến; điều kiện mở trường học. Chuyển đổi số trong giáo dục thực hiện bằng cách ứng dụng phần mềm quản lý chính là giải pháp được nhiều cơ sở áp dụng hiện nay. Các phần mềm được tích hợp các tính năng vượt trội sẽ mang đến giải pháp quản lý trường học hiệu quả, giúp nhà trường có thể tăng cường nghiệp vụ và quản lý hồ sơ học sinh cùng hồ sơ giảng dạy một cách nhanh chóng chỉ với thao tác click chuột đơn giản. Đồng thời, phát triển các khóa học trực tuyến góp phần phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên.

- Hiểu đúng về chuyển đổi số, đánh giá đúng thực trạng, xác định và dự báo đúng các thách thức về vấn đề đặt ra để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lý nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo có ý nghĩa quan trọng đối với nhà trường trong giai đoạn hiện nay. Chuyển đổi số trong giáo dục cần được xem là giải pháp lâu dài mang tính chiến lược, gắn với những cải cách mạnh mẽ, triệt để trong giảng dạy, học tập và quản lý, chứ không phải là giải pháp tình huống ứng phó với Covid-19. Trong chuyển đổi số thì quan trọng nhất không phải công nghệ, cũng không phải là đầu tư kinh phí mà chính là quyết tâm cao nhất của người quản lý cơ sở giáo dục và nhận thức sẵn sàng thay đổi của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường.

IV. KẾT LUẬN

Chuyển đổi số trong giáo dục là nhiệm vụ thiết yếu, trong đó xây dụng trường học thông minh, lớp học thông minh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Xây dựng trường học thông mình không chỉ ở việc xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất đáp ứng mà thực sự hiệu quả khi có nền tảng hạ tầng con người phù hợp đi kèm với quản lý trường học thông minh, hệ thống giáo dục thông minh, đồng bộ cho sự phát triển tổng thể chương trình giáo dục. Để thực hiện việc chuyển đổi số trong giáo dục đạt hiệu quả tốt thì tất cả chúng ta cần nỗ lực, tích cực nhiều hơn nữa. Nhà trường cần trang bị, bổ sung cơ sở vật chất, nâng cấp hệ thống mạng internet, phủ wifi rộng khắp đáp úng nhu cầu dạy-học của nhà trường.

 

 

 

PHỤ LỤC

(Minh họa việc ứng dụng chuyển đổi số trong  việc xây dựng kho học liệu số toàn trường, tổ chuyên môn, từng lớp giảng dạy)

1. Kho lưu trữ toàn trường

https://padlet.com/thanhienc3ltk/7gdg3somhanw1y5r

                

2. Kho lưu trữ tổ chuyên môn

https://padlet.com/thanhienc3ltk/jmdvqhsrmseyysl1

         

3. Kho lưu chữ chuyên môn lớp học

https://padlet.com/thanhienltk/m8t3nc7wdwu0j5x3

               

https://padlet.com/thanhienltk/icomlca9eg0hm0e4

https://padlet.com/thanhienltk/tnw1aevtg8qf4vyh

4. Lớp chủ nhiệm

https://padlet.com/thanhienc3ltk/q4nt38xnlhgk4zsb

                            

5. Phụ huynh học sinh

https://padlet.com/thanhienc3ltk/h8qpu50w0kgmllen

6. Thư viện online lớp chủ nhiệm

https://padlet.com/ntdung9224/Padletsachhay12a1

                                       

 

 

Danh sách tin tức Danh sách tin tức

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nâng cao kiến thức và kỹ năng về PCCC&CNCH cho cán bộ, giáo viên, học sinh, đồng...
Căn cứ Công văn hướng dẫn số 54/CV-CĐGD ngày 23/02/2024 của Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục tỉnh định hướng công đoàn cơ sở về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3),...
Bác Hồ từng căn dặn: “thanh niên phải là rường cột của nước nhà”, “phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Ghi nhớ lời dạy của Bác, lớp lớp thể hệ...
Thực hiện kế hoạch hoạt động của Công đoàn trường THPT Lý Thường Kiệt, được sự nhất trí của Chi bộ, BGH, BCH CĐ đã tổ chức chuyến tham quan học tập đầu năm với lịch trình Chùa Tây Phương- Chùa Khai...

Xem nhiều Xem nhiều

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nâng cao kiến thức và kỹ năng về PCCC&CNCH cho cán bộ, giáo viên, học sinh, đồng...
Căn cứ Công văn hướng dẫn số 54/CV-CĐGD ngày 23/02/2024 của Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục tỉnh định hướng công đoàn cơ sở về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3),...
Bác Hồ từng căn dặn: “thanh niên phải là rường cột của nước nhà”, “phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Ghi nhớ lời dạy của Bác, lớp lớp thể hệ...
Thực hiện kế hoạch hoạt động của Công đoàn trường THPT Lý Thường Kiệt, được sự nhất trí của Chi bộ, BGH, BCH CĐ đã tổ chức chuyến tham quan học tập đầu năm với lịch trình Chùa Tây Phương- Chùa Khai...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh