Ngoại khóa tổ Văn – Sử - Địa – Âm nhạc Trường PT DTNT Tỉnh Bắc Giang

|
Lượt xem:
“Tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa Việt Nam”..
Hoạt động giáo dục trong nhà trường không chỉ giới hạn trong lớp học và trên bục giảng. Bên cạnh đó, hoạt động ngoài giờ lên lớp và các hoạt động ngoại khóa cũng là một trong những yêu cầu không thể thiếu trong quá trình giáo dục nhằm trang bị cho các em những hiểu biết cần thiết, trọn vẹn và sâu sắc hơn những tri thức trong sách vở, liên hệ mật thiết giữa kiến thức và thực tế, có năng lực tổng hợp, khái quát kiến thức của nhiều bộ môn khác nhau trong nhà trường. Đó cũng chính là tư tưởng chủ đạo trong việc dạy học tích hợp liên môn mà Bộ GD & ĐT đã và đang triển khai chỉ đạo đến từng đơn vị, nhà trường.
          Chương trình Ngữ Văn lớp 10, các em đã và đang được tiếp cận với lượng kiến thức không nhỏ của mảng Văn học dân gian. Đặc biệt là truyền thuyết, cổ tích. Trong bộ môn lịch sử các em đã được tìm hiểu các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt là sự phát triển khá hưng thịnh của các triều đại phong kiến nhà Lý. Xuất phát từ thực tế trên đồng thời thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2014-2015 của trường PTDTNT tỉnh Bắc Giang; kế hoạch của tổ Văn - Sử - Địa - Âm nhạc; được sự nhất trí của chi bộ đảng, BGH,  tổ Văn - Sử - Địa - Âm nhạc tổ chức buổi ngoại khóa cho toàn bộ học sinh khối 10 với chủ đề “Tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa Việt Nam”. Hình thức tổ chức: đi thực địa tại các di tích lịch sử: Đền Gióng (Gia Lâm – Hà Nội), Quần thể di tích lịch sử  Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội) và Đền Đô (Từ Sơn – Bắc Ninh).
          Chương trình buổi ngoại khóa được diễn ra vào ngày 18 tháng 01 năm 2015. Đúng 6h00 đoàn xe khởi hành đưa thầy và trò đến với các di tích lịch sử mà tất cả các em đều đang háo hức, mong chờ và có chút hồi hộp bởi những điểm đến mang đậm tính văn hóa, lịch sử và đặc biệt tuy lạ mà quen bởi phần nào các em đã được thầy cô giới thiệu trong những giờ học chính khóa. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là khu di tích lịch sử Đền Gióng thuộc địa phận huyện Sóc Sơn – thành phố Hà Nội.

Đoàn thắp hương tại đền Thượng – Khu di tích đền Gióng
Đến với Đền Gióng các em được tận mắt chứng kiến sự uy nghiêm, trầm mặc, tĩnh tại của không gian một ngôi đền nghìn năm tuổi. Các câu chuyện về thánh Gióng và các vị thần cùng ra sức đánh giặc trong lúc đất nước đang cơn nguy biến đã để lại những cảm xúc khó tả cho du khách nói chung, cho thầy và trò trường PTDT Nội trú Bắc Giang nói riêng. Đặc biệt, những di chỉ còn sót lại và những dấu hiệu của huyền tích thủa nào: ao nước không cạn, những bụi tre tương truyền giúp Gióng đánh tan quân xâm lược…đã khắc sâu thêm những kiến thức của bài giảng trên lớp. Đoàn thực tế thực sự ngỡ ngàng trước hình tượng Thánh Gióng bay về trời với bức tượng đồng nguyên khối hùng vĩ, uy nghiêm ở điểm cuối cùng hành trình đền Gióng.
            Khoảng 10h30 phút, đoàn tiếp tục cuộc hành trình về quần thể di tích lịch sử  Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội) – một trong những chứng tích vĩ đại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền đất nước. Bối cảnh lịch sử và môi trường văn hóa hình thành nên truyền thuyết “Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy” được tái hiện trước mắt. Hình dáng tổng thể của một thành quách cổ xưa đã từng chứng kiến bao chiến tích huy hoàng của quân và dân ta trong lịch sử chống giặc ngoại xâm được tái hiện. Có những dấu tích hiện hữu, có những dấu tích đã mất đi theo thời gian, song những câu chuyện truyền thuyết được truyền tụng xung quanh thành thì còn mãi đến ngày nay. Một lần nữa các em được tận mắt chứng kiến những chiến tích và thấy được để có được những kì tích ấy cha ông ta đã phải vất vả, gian nan như thế nào để có được nên độc lập truyền lại cho con cháu và đó cũng chính là câu chuyện giáo dục lòng yêu nước từ những bằng chứng của lịch sử, văn hóa.

Cổng tam quan đền Thượng – Khu di tích Cổ Loa

Khoảng 15h30, đoàn thực tế tiếp cận với di tích lịch sử văn hóa đền Đô. Đền Đô nằm trên vùng đất địa linh nhân kiệt Đình Bảng, cách thủ đô Hà Nội gần 20 km về phía Bắc, thuộc địa phận huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đền Đô thờ 8 vị vua nhà Lý nên còn có tên khác là đền Lý Bát Đế. Đến đây, các em được tìm hiểu công tích của 8 vị vua triều Lý và những đóng góp không nhỏ cho công cuộc chấn hưng, bảo vệ đất nước. Những câu chuyện hấp dẫn được kể từ cô hướng dẫn viên như minh chứng và làm sâu sắc thêm các bài học lịch sử trong nhà trường được coi là trừu tượng với các bạn học sinh… Đến với Đền Đô các em còn được chiêm ngưỡng bản “Thiên đô chiếu” của Lý Thái Tổ, qua đó thấy được sự sáng suốt, tài năng và tầm nhìn chiến lược của một vị vua kiệt xuất khi quyết định dời đô về Đại La (Thăng Long). Những câu chuyện, những bằng chứng như “Bát Đế Vân Du”…càng làm không khí thêm trang trọng, huyền ảo.


Văn tự chữ Hán “Thiên đô chiếu” – Lý Thái Tổ (Đền Đô)

Tạm biệt đền Đô, xe đưa đoàn về đến trường PTDT Nội trú Bắc Giang khoảng 18h00. Buổi ngoại khóa kết thúc trong niềm hân hoan, phấn khởi của thầy và trò đặc biệt là các em học sinh khối 10. Ai cũng mệt vì đã cuốc bộ trên chặng hành trình khá dài nhưng vui vì các em được hoạt động chung, hiểu biết thêm nhiều điều thú vị, sâu sắc trước những di tích lịch sử văn hóa của dân tộc mình. Cảm nhận sau chuyến đi thực địa, bạn Lục Thị Diễm - học sinh lớp 10 D chia sẻ: “Qua chuyến đi thực địa vừa rồi, đã giúp em mở mang rất nhiều kiến thức, học hỏi và tiếp thu được rất nhiều điều bổ ích từ các khu di tích…sự kiện nào, mốc thời gian nào, khung cảnh nào cũng đều gắn chặt với lịch sử hào hùng của dân tộc ta”. Bạn Lương Thị Thanh - học sinh lớp 10 D  cho rằng: “ Kết thúc chuyến thăm ba ngôi đền, mỗi nơi một vẻ, phong cảnh hữu tình, non xanh nước biếc nhưng một điều em cảm nhận được chung nhất đó là  không khí linh thiêng và sự uy nghiêm tĩnh tại của các ngôi đền. Qua đó chúng em ý thức được vai trò, giá trị của các di tích lịch sử văn hóa của dân tộc và trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa đó”. Nói về ấn tượng sâu sắc nhất trước hiện vật tại các ngôi đền, bạn Trương Thị Thanh - học sinh lớp 10C tâm sự: “Qua các hiện vật được tận mắt chứng kiến, hiện vật để lại trong em ấn tượng sâu sắc nhất đó là hình rồng được trạm trổ trên mái đền Gióng vào thời Lý. Rồng mang một ý nghĩa linh thiêng và trang trọng. Hình rồng đã phản ánh nét văn hóa khá độc đáo trong nghệ thuật trạm, khắc dưới triều đại này, em rất tự hào về lịch sử văn hóa của dân tộc ta. Chúng em rất mong nhà trường và các tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức cho chúng em những chuyến đi thực địa như vậy để chúng em được mở mang thêm tầm hiểu biết của mình…”. 
           Buổi ngoại khóa thực sự trở thành một hoạt động học tập, dã ngoại, trải nghiệm đầy ý nghĩa cho tất cả các em học sinh toàn khối. Rất mong những ngoại khóa bổ ích và thiết thực như thế này sẽ được nhân rộng, trở thành hoạt động thường niên của tổ chuyên môn và nhà trường nhằm thúc đẩy, nâng cao hơn nữa lòng tự hào về truyền thống yêu nước anh hùng của cha ông ta!
Một số hình ảnh về buổi hoạt động ngoại khóa:
 Tượng đài di chỉ Thánh Gióng bay về trời

Danh sách tin tức Danh sách tin tức

I. SƠ LƯỢC ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH 1. Sơ lược đặc điểm tình hình - Địa chỉ: Đường Thân Cảnh Vân, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang; địa chỉ email: dtnttinh@bacgiang.edu.vn ; website:...
(BGĐT) - Học giỏi và đam mê nghiên cứu khoa học - công nghệ, hai bạn Trương Công Tuyền - Trần Văn Tùng, lớp 11A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang vừa đoạt giải Nhất cấp tỉnh và giải...
“Tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa Việt Nam”.. Hoạt động giáo dục trong nhà trường không chỉ giới hạn trong lớp học và trên bục giảng. Bên cạnh đó, hoạt động ngoài giờ lên lớp và các hoạt...
Bộ GD-ĐT vừa công bố 63 cụm thi THPT quốc gia 2017 trên cả nước do các Sở GD-ĐT chủ trì. Theo đó, tham gia coi thi, chấm thi là giáo viên các trường phổ thông và cán bộ, giảng viên các trường ĐH,...
Ngày 16 tháng 3 năm 2014, trường PTDT nội trú tỉnh phối hợp với Đoàn trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội tổ chức Hội nghị tư vấn tuyển sinh và chương trình “Hành trang sĩ tử 2014”. Buổi tư vấn tuyển...

Xem nhiều Xem nhiều

I. SƠ LƯỢC ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH 1. Sơ lược đặc điểm tình hình - Địa chỉ: Đường Thân Cảnh Vân, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang; địa chỉ email: dtnttinh@bacgiang.edu.vn ; website:...
(BGĐT) - Học giỏi và đam mê nghiên cứu khoa học - công nghệ, hai bạn Trương Công Tuyền - Trần Văn Tùng, lớp 11A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang vừa đoạt giải Nhất cấp tỉnh và giải...
“Tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa Việt Nam”.. Hoạt động giáo dục trong nhà trường không chỉ giới hạn trong lớp học và trên bục giảng. Bên cạnh đó, hoạt động ngoài giờ lên lớp và các hoạt...
Bộ GD-ĐT vừa công bố 63 cụm thi THPT quốc gia 2017 trên cả nước do các Sở GD-ĐT chủ trì. Theo đó, tham gia coi thi, chấm thi là giáo viên các trường phổ thông và cán bộ, giảng viên các trường ĐH,...
Ngày 16 tháng 3 năm 2014, trường PTDT nội trú tỉnh phối hợp với Đoàn trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội tổ chức Hội nghị tư vấn tuyển sinh và chương trình “Hành trang sĩ tử 2014”. Buổi tư vấn tuyển...

Thư viện ảnh Thư viện ảnh